PHẦN I: HỒI KÝ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Đăng lúc: 08:00:00 01/01/1970 (GMT+7)

 
TRƯỜNG Y SỸ THANH HÓA TRONG THẬP NIÊN SÁU MƯƠI
 
Sau thành công của kháng chiến chống Pháp năm 1954, Thanh Hóa có hơn 500 xã, hầu hết các xã không có trạm y tế, cán bộ y tế vừa thiếu vừa yếu. Một số xã đã có cán bộ được Nha Y tế thôn quê đào tạo từ 7 đến 10 ngày, sau này Nha Y tế thôn quê giải thể.
Ty Y tế thành lập trường cán bộ y tế, đào tạo y tá, nữ hộ sinh trình độ 3 tháng - 6 tháng do y sỹ Hà Trọng Am và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Diêu phụ trách. Từ năm 1960, Bác sỹ Lê Duy Cừ làm Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Truy làm Hiệu phó. Cơ sở nhà trường ban đầu đặt ở Trạm điều dưỡng thương binh miền Nam. Sau khi Trạm sáp nhập với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một thời gian Trường chuyển về Tạnh Xá.
Trước nhu cầu cấp bách, cần có một đội ngũ cán bộ y tế có trình độ trung cấp, để xây dựng mạng lưới y tế thôn quê và chi viện cho Miền Nam. Bộ Y tế chủ trương thành lập một số trường Y sỹ ở địa phương như: Hà Đông, Thanh Hóa, Nghệ An,…
Tháng 9 năm 1960, Bộ Y tế triệu tập Hội nghị để phổ biến kế hoạch, thành phần gồm lãnh đạo Ty Y tế và Giám đốc Bệnh viện tỉnh. Thời gian này Bác sỹ Phạm Phú Dõng (Giám đốc bệnh viện) được Bộ Y tế điều về Bộ công tác, Bác sỹ Trần Văn Quy (Phó Giám đốc) đang đi học, thực tập ở Bulgari, nên Ty Y tế cử đồng chí Nguyễn Phú Bân - Phó Giám đốc Bệnh viện đi họp tiếp thu chủ trương, nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao (đại diện Bộ là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch).
Mục tiêu đào tạo y sỹ trung cấp cho tuyến xã và hệ biên chế, nữ hộ sinh trung cấp. Tổ chức Trường - Viện là một, trực thuộc Bộ Y tế. Tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, Bộ Y tế tăng cường đội ngũ giáo viên, thiết bị thực tập. Chủ trương của Bộ được Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính đồng thuận, khẩn trương tiến hành.
 Về bộ máy lãnh đạo Trường - Viện, Tỉnh Quyết định Bác sỹ Trần Văn Xuân - Phó Ty Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện làm Hiệu trưởng Trường Y sỹ. Đồng chí Lương Đình Đạm - Phó Giám đốc Bệnh viện nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng.
Về cơ sở vật chất: Từ năm 1961, Ty Tài chính cấp kinh phí xây dựng Trường tại cánh đồng làng Tạnh Xá - Tân An xã Đông Vệ với diện tích gần 3 hecta. Xây dựng 10 dãy nhà bán kiên cố, mỗi dãy gần 300m2 là ký túc xá cho sinh viên ở, nhà bếp, nhà ăn, phòng làm việc, phòng thực tập.
Các phòng học xây dựng trong bệnh viện gồm có 2 dãy nhà với đầy đủ bàn ghế, nơi làm việc của giáo viên, phòng giao ban, phòng trực cho học sinh. Ngày 1/10/1960, Trường Y sỹ Thanh Hóa khai giảng khóa đầu tiên, Trường vinh dự được đón Giáo sư Hoàng Đình Cầu - Vụ trưởng Vụ huấn luyện Bộ Y tế về dự. Thời điểm này, Trường có 21 cán bộ là y, bác sỹ, 5 giáo viên chính trị, 5 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên thể chất, 27 nhân viên khối tổ chức - hành chính (cán bộ hành chính, cấp dưỡng, giữ trẻ, bảo vệ). Trường đào tạo 173 học viên cả hệ xã và hệ biên chế, 100 học viên bổ túc văn hóa cấp 2.
Năm 1961, Bộ Y tế tăng cường cán bộ về làm nhiệm vụ đào tạo tại cơ sở Tân An, gồm các Bác sỹ: Cao Thiên Tư, Nguyễn Kim Tòng, Nguyễn Kim Phan, Nguyễn Thái Thúy. Ban Giám hiệu là Ban Giám đốc bệnh viện, gồm:
 Bs. Trần Văn Xuân - Giám đốc kiêm Hiệu trưởng
 Bs. Đỗ Quang - Phó Giám đốc kiêm Phó Hiệu trưởng
Đồng chí Nguyễn Thế Bân - Phó Giám đốc kiêm Phó Hiệu trưởng
Đồng chí Lê Huy Hiệu - Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy
Đồng chí Lương Đình Đạm - Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng
Trưởng phó phòng ban, khoa của bệnh viện là cũng làm nhiệm vụ quản lý tại Trường, hoạt động từ ngày 16/10/1961. Ngày 18/10/1961, Đại hội Đảng bộ Trường - Viện diễn ra, lựa chọn 9 đồng chí tham gia Ban chấp hành Đảng ủy, gồm:
Đồng chí Lê Huy Hiệu - Bí thư Đảng ủy
Đồng chí Lương Đình Đạm - Phó Bí thư Đảng ủy
Đồng chí Nguyễn Thế Bân - Uỷ viên Thường vụ
Đồng chí Đỗ Quang - Phó giám đốc, Đảng ủy viên
Đồng chí Cao Văn Minh - Ủy viên, giáo viên chính trị
Đồng chí Phạm Tấu - Ủy viên (cán bộ bệnh viện)
Đồng chí Nguyễn Thị Sâm - Ủy viên - Phụ trách nữ công
Đồng chí Lê Minh Bỗng - Ủy viên, giáo viên chính trị
Đồng chí Lê Thiên Quy - Ủy viên - Bí thư Chi bộ Hành chính
Ngày 20/10/1961, Đại hội Công đoàn Trường - Viện được diễn ra thành công. Đồng chí Lê Minh Tâm được bầu làm Thư ký Công đoàn trường. Trong năm 1961, tỉnh sáp nhập Trường cán bộ y tế do bác sỹ Lê Duy Cừ làm Hiệu trưởng vào Trường Y sỹ, Nhà trường tiếp tục đào tạo y tá, nữ hộ sinh, sơ cấp y tá, sơ cấp dược tá.
Năm 1962, Bác sỹ Trần Văn Quy về làm Giám đốc Bệnh viện - Hiệu trưởng Trường
Đồng chí Nguyễn Thế Bân - Bí thư Đảng ủy
Đồng chí Cao Thiên Tư - Phó Giám đốc Bệnh viện, Phó Hiệu trưởng
Đồng chí Lương Đình Đạm - Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác tổ chức, chính trị ở Trường.
Thời gian này số lượng học viên tăng 612 học viên biên chế, hơn 80 cán bộ giáo viên.
Năm 1964, Trường tuyển sinh lớp Y sỹ miền Nam tập kết, học xong sẽ về miền Nam phục vụ chiến đấu chống Mỹ. Một số cán bộ Nhà trường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc bằng không quân, chỉ thị của Tỉnh phải sơ tán, cùng với bệnh viện và các cơ quan. Trường sơ tán về xã Thành Công, huyện Thiệu Hóa, sau đó mở rộng lên xã Thiệu Thành, đồng thời vẫn duy trì các cơ sở thực tập như: bệnh viện Tỉnh sơ tán về Định Tăng - Yên Định, các bệnh viện huyện tại Yên Định, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc,…
Giai đoạn này, do nhu cầu phục vụ sản xuất, chiến đấu, chi viện cho miền Nam nên Bộ Y tế và Tỉnh giao cho Trường nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang, phải đào tạo nhiều lớp, nhiều ngành, hệ. Đã có những lớp, hệ như: y sỹ biên chế, y sỹ xã, quân y sỹ, dược sỹ, y tá sơ học, nữ hộ sinh sơ học, y sỹ chính quy, kỹ thuật viên học sinh phổ thông. Năm 1965, 1966 có số lượng học sinh đông với gần 1300 người học tại 27 lớp. Biên chế Nhà trường không tăng, trong khi đó Nhà trường gặp nhiều khó khăn, đời sống của giáo viên, học sinh càng nhiều vất vả, việc đi lại, học tập, thực tập dưới cơ sở bệnh viện vừa học vừa phục vụ chiến đấu, vừa giúp dân sản xuất đồng thời tự túc việc ăn, ở của bản thân. Quy mô, địa bàn hoạt động do sơ tán nên đi lại khó khăn, không tập trung. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy quyết định tách Đảng bộ Viện - Trường hoạt động riêng. Các bộ phận cũng tách, chỉ còn gắn kết khối chuyên môn, thầy thuốc kiêm thầy giáo.
          Năm 1968, Bộ Y tế tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trường đào tạo hệ đại học với 5 lớp dự bị đại học (2 lớp hệ xã, 3 lớp biên chế), số lượng là 330 y sinh vốn là những y sỹ đang công tác ở các trạm y tế xã và các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa.
Từ năm 1968 đến năm 1970, Bộ Y tế dành nhiều sự quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất cho Trường Y sỹ Thanh Hóa, Trường đã bổ sung thêm đội ngũ cán bộ là một số thực tập sinh ở nước ngoài (BS Trịnh Văn Quảng, BS Hoàng Ngọc Cừ), Học viện chính trị Quốc gia về công tác tại trường, đồng thời đầu tư thêm trang thiết bị thực tập, nâng cấp thư viện. Chủ trương của Bộ Y tế là sẽ thành lập Trường Đại học Y khoa ở Thanh Hóa.
Trải qua hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, Trường Y sỹ gặp bao khó khăn, gian khổ, thiếu hụt về mọi mặt. Tuy vậy, thầy và trò Trường Y sỹ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng lớn lao trong sự nghiệp đào tạo Y sỹ. Có được thành quả đó là nhờ sự sáng suốt của lãnh đạo Bộ, Trường - Viện, đồng thời sức mạnh đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự chiến đấu kiên cường, tinh thần lao động, học tập của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh.
 
PHẦN I: HỒI KÝ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN- TÁC GIẢ LÊ ĐĂNG MIÊN- NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA.
 
 
 
 
 
 

Tin khác