Ma túy - kẻ thù gieo rắc “cái chết trắng” cho hàng triệu người dân không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Đăng lúc: 07:10:40 15/06/2021 (GMT+7)

 
            Chắc hẳn, không ai trong chúng ta không biết lời nhắn nhủ và răn dạy của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em.” 
Vâng, chúng ta không chỉ cần phải nỗ lực để tiếp thu kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật mà còn cần tiếp thu kiến thức xã hội, lối sống. Điển hình nhất là kiến thức về phòng chống tệ nạn ma túy và cách khắc phục những tác động, hệ quả xấu do ma túy gây ra.
Hiện nay, song song với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật vẫn tồn tại những mặt hạn chế của xã hội. Và nổi trội nhất đó chính là tệ nạn ma túy. 
Khi so sánh với các tệ nạn xã hội khác thì tệ nạn ma túy luôn là nỗi kinh hoàng, là kẻ thù dai dẳng cướp đi sinh mạng hàng triệu người.
Giới thiệu “Ma túy là gì?”
Ma túy là gì?
Vâng, nhắc đến ma túy, chắc chắn các bạn sẽ liên tưởng ngay đến heroin, thuốc phiện, thuốc lắc, cần sa,... và cả những “con nghiện”. Vậy chính xác thì ma túy là gì?
“Ma túy” là khái niệm dùng để chỉ chung về những chất gây nghiện và chất hướng thần có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc được tổng hợp. Những chất này khi đưa vào cơ thể sẽ khiến cơ thể con người bị thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý. Lâu dần, dẫn tới tình trạng cơ thể bị phụ thuộc vào ma túy hay còn được gọi là “nghiện ma túy”.
Tác động và hệ quả do ma túy gây ra
Chúng ta thường nghe rằng ma túy không chỉ gây ra nhiều tác động xấu đối với bản thân người dùng mà còn với cả gia đình và xã hội. Vậy cụ thể những tác động xấu và hệ quả tiêu cực do ma túy gây ra là gì?
Đối với cá nhân 
Ma túy được đưa vào cơ thể thông qua các hình thức hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích,...  Khi này, ma túy sẽ gây ra tình trạng rối loạn tâm thần và làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của con người. Ngoài ra còn tạo những ảo giác và sự kích động, mất kiểm soát hành vi. Nguy hiểm hơn là mất dần nhân cách.
Nếu sử dụng ma túy lâu ngày thì sẽ dẫn tới việc người dùng bị lệ thuộc vào ma túy hay nghiện ma túy. Nếu ngừng sử dụng ma túy thì “con nghiện” sẽ phải đối mặt với những cơn “thèm thuốc” vật vã và vô cùng đau đớn. Từ đây, sức khỏe và tâm lý của “con nghiện” bị suy giảm một cách trầm trọng.
Đặc biệt, nghiện ma túy còn gây hại đến sự phát triển nòi giống. Nếu phụ nữ có thai mà dùng ma túy sẽ gây sảy thai, lưu thai, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, trẻ sinh ra khó nuôi. Trái lại, ở nam giới nghiện ma túy thường có nguy cơ cao bị liệt dương và vô sinh.
Đối với gia đình 
Để thỏa mãn cơn nghiện, “con nghiện” có thể làm bất cứ việc gì ví dụ như lừa đảo, cướp giật, trộm cắp,... Nguy hiểm hơn là có những “con nghiện” ra tay đánh đập, giết hại chính người thân của mình. Gia đình có “con nghiện” ma túy không chỉ bị hao hụt kinh tế, tài sản mà còn thường xuyên xảy ra các cuộc cãi vã, “đụng tay đụng chân”. 
Đấy là nguyên nhân lớn nhất khiến tình cảm gia đình bị rạn nứt, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Thậm chí, nhiều gia đình còn xa lánh, cách ly “con nghiện” hoặc vì đã quá mệt mỏi, áp lực, sợ hãi hoặc vì ghét bỏ và muốn ruồng rẫy. 
Đối với xã hội
Vậy đối với xã hội thì sao? Ma túy gây ra những tác động và hệ quả xấu gì? Đầu tiên, ma túy gây ra tình trạng mất trật tự và an toàn xã hội. Từ đây tạo nên áp lực trong công tác quản lý và phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm cho các cơ quan chức năng. 
Tiếp theo, ma túy còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua nhiễm qua đường máu, đường tình dục trong xã hội. Chính việc “con nghiện” sử dụng chung kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ đã dẫn tới tình trạng này. 
Nhiều cuộc khảo sát ở nước ta đã chỉ ra rằng có khoảng 65% người bị nhiễm HIV/AIDS đã từng sử dụng ma túy. Đáng báo động hơn, năm 2011, nước ta có 14.000 người nhiễm HIV/AIDS và trong đó phần lớn từ những người trẻ tuổi. Đặc biệt là có cả thanh thiếu niên.
Nguyên nhân dẫn tới nghiện ma túy 
Những tác động và hệ quả xấu do ma túy gây ra đối với cá nhân “con nghiện”, gia đình và xã hội không khó để bạn nhận ra. Nhưng nguyên nhân khiến một con người vốn dĩ ngoan, hiền bỗng nhiên trở thành một “con nghiện” là do đâu? Bạn đã biết hay chưa?
Thực tế cho thấy, nghiện ma túy không xuất phát từ một nguyên nhân đơn lẻ mà là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Tựu chung lại đó chính là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. 
Nguyên nhân chủ quan 
Nguyên nhân này mang tính chất quyết định dẫn tới nghiện ma túy. Theo đó, một người sẽ có nguy cơ cao trở thành “con nghiện” nếu: 
Thiếu hiểu biết về ma túy và tác hại của ma túy nên dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Hiếu kỳ, tò mò và muốn trải nghiệm để thỏa mãn sự hiếu kỳ, tò mò đó. 
Thích thể hiện và chứng tỏ bản ngã và sự “sành điệu”.
Thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với bố mẹ và những người thân trong gia đình.
Thanh niên thất nghiệp dẫn tới thường xuyên tụ tập ăn chơi.
Nguyên nhân khách quan
  • Gia đình không đầm ấm và hạnh phúc: bố mẹ ly dị, ly thân,... 
  • Bố mẹ lơ là, không dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ cùng con cái những vấn đề trong cuộc sống thường ngày. 
  • Gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều con thái quá tạo điều kiện cho con giao du, tiếp xúc với những kẻ xấu.
  • Công tác tuyên truyền và giáo dục về tác hại của ma túy còn chưa sâu sát, chưa thường xuyên. 
  • Công tác quản lý và giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện còn nhiều sơ hở và thiếu sót. 
  • Người sau cai nghiện còn bị gia đình, xã hội xa lánh, phân biệt đối xử khi tái hòa nhập cộng đồng. Điều này khiến họ mặc cảm, kích động và rất dễ quay đi vào vết xe đổ một lần nữa.
Biện pháp phòng chống ma túy và khắc phục hệ quả cho ma túy gây ra
Về phía cá nhân 
Mỗi người, nhất là những bạn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên cần: 
  • Chủ động nâng cao nhận thức về ma túy và tác hại của ma túy.
  • Hình thành lối sống trong sạch, lành mạnh và tránh xa lối sống buông thả.
  • Không ăn chơi, đua đòi và cương quyết nói không với ma túy. 
  • Không giao du với những đối tượng xấu.
  • Không thử sử dụng ma túy dù chỉ một lần ở bất kỳ hình thức nào.
Về phía gia đình 
Thứ hai, về phía gia đình, cụ thể là các bậc phụ huynh cần: 
  • Giữ không khí trong gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc.
  • Phụ huynh phải làm gương tốt cho con cái trong cả cách hành xử và lối sống.
  • Phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nâng cao công tác quản lý và giáo dục con cái.
  • Thường xuyên quan tâm và chia sẻ với con cái mọi buồn, vui và khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Đặc biệt là khi con cái bước vào giai đoạn dậy thì với sự thay đổi tâm sinh lý mạnh mẽ.
  • Đồng hành cùng con cái khi phát hiện con cái nghiện ma túy. Đây là cách tốt nhất để con cái mạnh mẽ có sức mạnh và niềm tin vững chắc để vượt qua thử thách khó khăn này.
Về phía xã hội 
  • Các nhà trường nên tạo nhiều sân chơi hấp dẫn và bổ ích cho học sinh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với học đường. 
  • Chính quyền địa phương quan tâm giải quyết vấn đề việc làm cho các thanh niên để hạn chế sự tự do, vô kỷ luật. 
  • Các đoàn thể chính trị tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến Luật phòng, chống ma túy tới toàn xã hội.
  • Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần có sự phối hợp và phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện. 
 
Có thể khẳng định rằng cuộc chiến phòng chống ma túy và đẩy lùi “cái chết trắng” không phải trách nhiệm của riêng một ai. Cuộc chiến trường kỳ này cần tới sự chung tay góp sức thật bền bỉ của toàn xã hội.
Nhiều “con nghiện” bi quan, bất lực và nghĩ rằng nếu đã bước vào “khách sạn” đó rồi thì không thể bước ra được nữa. Nhưng nếu mỗi người chúng ta hãy đừng im lặng, hãy đừng kỳ thị và phân biệt đối xử, mà hãy cùng sẻ chia, đồng cảm, để họ có thêm nghị lực, tiếp tục sống và đóng góp cho xã hội, bởi “ bớt đi một ánh mắt kỳ thị là cứu thêm một cuộc đời”. 
Chúng ta hãy nói “không” với ma túy, "Hãy đừng chết vì thiếu hiểu biết" các bạn nhé !
 
# tháng hành động phòng chống Ma túy 16/6