Chuyên đề khoa học tháng 5/2015 - Phòng Công tác - HSSV - Cử nhân Bùi Thị Hương

Đăng lúc: 09:04:21 04/06/2015 (GMT+7)

Nhân 125 năm ngày sinh nhật bác 19/5, học tập và theo tấm gương đạo đức của bác - cùng suy ngẫm những lời dạy của bác về y đức

CN.  Bùi Thị Hương

                                                                   Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên

 

1.     Đặt vấn đề :

 Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó đã trở thành hoài bão, là mục tiêu và động lực chiến đấu kiên cường và bất khuất của Người. Mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và đi đến giải phóng triệt để con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất. Người đưa ra những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, về xây dựng và phát triển ngành Y tế Việt Nam từ những tinh túy văn hóa dân tộc và nhân loại. Trong hệ thống các quan điểm đó, vấn đề về y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tư tưởng y đức của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta.

2.     Nội dung cơ bản :

Không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y, nó đi liền với sự xuất hiện con người và chắc chắn sẽ tồn tại cho đến khi không còn sự sống của loài người trên trái đất này. Cũng không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Đã từ lâu, người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, đặc biệt, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc, của toàn xã hội.

Y đức là vấn đề cốt lõi trong quan điểm về y tế của Người. Không nghề nào quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tính mạng con người như nghề y, không nghề nào mà sai lầm hay thiếu sót lại ảnh hưởng đến sự sống còn, sức khỏe của con người như nghề y. Mọi nghề đều có thể làm ra sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, ngành y tuyệt đối không cho phép như vậy. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã quan tâm sâu sắc đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Người, chương trình Việt Minh đã ghi rõ: "Cần khuyến khích nền thể dục quốc dân, làm cho giống nòi ngày càng thêm mạnh". Năm 1946, trong hoàn cảnh đất nước "thù trong, giặc ngoài" với tình thế rất khó khăn, thế nhưng Người vẫn không quên nhắc nhở mọi người về việc rèn luyện sức khỏe. Người đã phát động phong trào đời sống mới, khởi xướng phong trào "khỏe vì nước". Người chỉ rõ: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công".

Có thể nói, không một nội dung nào sâu sắc hơn, ngắn gọn hơn, súc tích hơn nói lên được sự cao cả của ngành y, của người thầy thuốc như lời dạy của Người về y đức "Thầy thuốc như mẹ hiền". Ngành Y đã lấy những lời dạy của Bác làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Đã có bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng phục người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân như: Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ... đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức, đưa nội dung căn dặn của Người "Thầy thuốc như mẹ hiền" thành hành động cụ thể: "Đến: đón tiếp niềm nở. Ở: chăm sóc tận tình. Về: dặn dò chu đáo".

Tư tưởng của Người về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ cũng đã được cụ thể hóa thành những việc làm cụ thể trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có thể nói, Hồ Chí Minh đã tạo ra một nền đạo đức cách mạng mới trong lịch sử dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự khoan dung, nhân hậu, là lòng thương yêu con người hết mực. Trong tình thương yêu đó, mọi người đều có chỗ. Người không bỏ sót một ai, không quên ai, nhất là những người lao khổ, bần cùng, ốm đau, bệnh tật. Người nói: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình thì thành nỗi đau khổ của tôi". Chỉ có tấm lòng cao cả, thương người bao la như vậy mới có thể thấu hiểu được nỗi đau của người ốm đau, bệnh tật, mới có thể đúc kết được y đức của người thầy thuốc sâu sắc đến như vậy.

Có thể nói, những tư tưởng về y đức của Người mãi mãi là bài học quý báu. Tư tưởng ấy như ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển ngành Y tế đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh những tấm gương y đức cao cả, hết lòng vì người bệnh, vẫn còn đâu đó những phàn nàn về thái độ phục vụ người bệnh, về tay nghề của những thầy thuốc trẻ, về sự tắc trách của một số thầy thuốc, y bác sĩ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, kể cả trong những lúc nguy kịch, hiểm nghèo nhất. Đây là những hiện tượng đi ngược lại với lời dạy của Bác, làm mờ đi hình ảnh người thầy thuốc vốn có truyền thống được xã hội kính trọng và đề cao. Vì vậy để hình ảnh của những người thầy thuốc sáng mãi trong lòng nhân dân, và để cho Y đức luôn là niềm tự hào của ngành Y, mỗi người thầy thuốc cần nêu cao lòng nhân ái, hết lòng phục vụ nhân dân. Đặc biệt đối với những thầy thuốc trẻ hôm nay, cần phải luôn trau dồi y đức cùng với nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, có những suy nghĩ và hành động trong sáng, giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người thầy thuốc. Nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, phục vụ ân cần, chu đáo, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân làm niềm vui của mình.

Xã hội ngày càng phát triển, dân trí và đời sống của dân chúng càng được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khoẻ càng tăng. Thực tế đòi hỏi ngành y cần nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân để đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội.

Nguyên lý của Y nghiệp:

    Bản thân nghề y không tự đề ra tính chuyên nghiệp cho mình mà chính xã hội đặt ra những yêu cầu về tính chuyên nghiệp của nghề y, đồng thời trao cho nghề y những quyền lực và sự uỷ thác. Để đáp ứng được sự uỷ thác của xã hội đối với nghề y thì y nghiệp được hiểu thông qua 4 nguyên lý sau :

+ Một là : Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết.

   Nguyên lý này thể hiện tấm lòng vị tha của người thầy thuốc và đây là nội dung chính được đề cập trong lời thề HYPOCRATAS  cũng như trong 9 điều Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông. Nội dung nguyên lý này là trong bất cứ hoàn cảnh nào, mọi quyết định của Thầy thuốc đều phải vì quyền lợi tốt nhất của người bệnh.

    Quyền lợi tốt nhất của người bệnh là quyền được tôn trọng về nhân phẩm, quyền được quyết định lựa chọn giải pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị có lợi và phù họp với hoàn cảnh của mình sau khi đã được cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên quan đến bệnh tật của họ một cách trung thực, khách quan và công bằng và quyền được bảo mật mọi thông tin có liên quan đến cuộc sống riêng tư cũng như bệnh tật của mình. Hay nói cách khác: Người bệnh phải được hưởng sự chăm sóc tốt nhất mà không phụ thuộc vào sự chi trả .

+ Hai là : Duy trì năng lực chuyên môn.

     Muốn đem lại hiệu quả chữa trị và chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, muốn đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết thì người Thầy thuốc cần có năng lực chuyên môn tốt, kỹ năng giao tiếp ứng xử rất cần thiết đối với người Thầy thuốc nhưng không thể thay thế được năng lực chuyên môn.

     Giao tiếp ứng xử tốt nhằm tạo ra sự đồng cảm và hợp tác tốt giưã thầy thuốc và người bệnh. Tuy nhiên nếu Thầy thuốc chỉ dừng ở việc tạo mối quan hệ tốt với người bệnh qua giao tiếp ứng xử là chưa đủ vì người bệnh cần được chẩn đoán chính xác và ra quyết định điều trị cũng như chăm sóc đúng và kịp thời .

+ Ba là : Tự điều chỉnh bản thân và kiểm soát đồng nghiệp .

Luôn tự điều chỉnh bản thân và kiểm soát đồng nghiệp là một nguyên lý quan trọng của y nghiệp nhằm mục đích phát hiện kịp thời những điểm yếu và đặt kế hoạch phát triển năng lực của bản thân và đồng nghiệp để hạn chế sai sót, rủi ro trong thực hành nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

+ Bốn là : Có trách nhiệm với xã hội .

       Thầy thuốc không chỉ là “ Người chữa bệnh ” mà còn là “ Người hành nghề ” do vậy ngoài trách nhiệm với người bệnh, với đồng nghiệp thì Thầy thuốc còn cần có trách nghiệm với xã hội. Trách nhiệm này được thể hiện trong những lời cam kết tham gia các hoạt động của xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng như giáo dục truyền thông về sức khoẻ cho cộng đồng, các hoạt động nhân đạo. Sự tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp Thầy thuốc hiểu biết hơn về tình hình xã hội, hiểu biết hơn về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng do vậy xác định được trách nhiệm của mình với xã hội. Ngược lại cũng làm cho cộng đồng nhận thức được những đặc thù của nghề y cũng như những khó khăn mà nghề y luôn phải đối mặt…

    Y tế trên đường hiện đại hóa, ngày càng được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới vào phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Cố gắng dùng máy móc để cứu chữa người bệnh, đó cũng là y đức. Nhưng người thầy thuốc có y đức không bao giờ ỷ lại hoàn toàn vào máy móc mà coi nhẹ việc trực tiếp khám bệnh và thăm hỏi bệnh nhân. Vì máy móc dù tinh vi đến đâu cũng không thay thế được người thầy thuốc. Kể cả khi có đủ phương tiện theo dõi người bệnh từ xa, nhưng nếu họ nằm trơ trọi một mình thì cũng là thiếu y đức. Người bệnh có nhu cầu được tiếp xúc, không những lợi cho việc theo dõi bệnh mà còn lợi cho cả tinh thần bệnh nhân. Người y tá lặng lẽ vào buồng bệnh tiêm cho bệnh nhân, rút kim ra rồi đi thẳng, chẳng một lời hỏi han, như vậy chưa thể nói là "Thầy thuốc như mẹ hiền" được.

Kết luận :

        Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác. Đối với cán bộ y tế cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, rất dễ nhớ, dễ làm đồng thời còn là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Vì vậy, trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, mỗi cán bộ y tế cần phải nghiên cứu vận dụng y đức vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.


Tin khác