PHẦN II: HỒI KÝ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN- TÁC GIẢ LÊ ĐĂNG MIÊN- NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA.

Đăng lúc: 08:00:00 01/01/1970 (GMT+7)

 THẢM HỌA KINH HOÀNG
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ngày càng khốc liệt. Đế quốc Mỹ mở rộng quy mô, dùng lực lượng không quân, ném bom phá hoại miền Bắc nước ta: Thủ đô Hà Nội, đường quốc lộ 1A, kho tàng, bến cảng nhằm cắt đứt chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
          Vào đầu tháng 5 năm 1972, những trận mưa đầu mùa làm cho nước sông Mã dâng cao ở mức báo động. Con đê Hữu Ngạn trở nên mong manh, chỉ cần một quả bom trúng mặt sẽ làm con đê tan nát, cả thị xã Thanh Hóa và một số huyện Đông Sơn biến thành ốc đảo. Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã bàn các giải pháp cứu hộ đê, đề phòng lũ lụt. Ủy ban Nhân dân Tỉnh ra lệnh huy động một lực lượng lớn gồm: học sinh hai trường (Trường Y sỹ và Trường Sư phạm Thanh Hóa), thanh niên huyện Đông Sơn tham gia lao động bồi đắp đê sông Mã từ phía Nam cầu Hàm Rồng xuống làng Vạn Sơn, xã Đông Hải. Ngày đó, Trường Y sỹ Thanh Hóa đang sơ tán về các xã Thiệu Vũ, Thiệu Thành, Huyện Thiệu Hóa để an toàn bảo đảm việc học tập. Nhận được lệnh của UBND tỉnh, Nhà trường huy động hơn 1000 học sinh thuộc các lớp Y tá chuyên tu, Y tá chính quy, Nữ hộ sinh 3, các lớp thuộc hệ bổ túc văn hóa. Ban Giám hiệu Quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Xuân Huy (Bác sỹ, Thư ký Công đoàn), Hoàng Trọng Cừ (Bác sỹ, Trưởng phòng Giáo vụ), Nguyễn Thị Báu (Bí thư Đoàn trường).
          Các đồng chí chủ nhiệm các lớp y sinh tham gia lao động do đồng chí Lê Minh Bỗng (Phó bí thư Đảng ủy Nhà trường) làm trưởng ban. Địa điểm ăn, ở trong  thời gian lao động của cán bộ và y sinh do một số nhà dân xã Quảng Thành, xã Đông Hải hỗ trợ. Ban chỉ huy đã chỉ đạo các lớp y sinh làm hầm trú ẩn kiên cố tại công trường để phòng máy bay địch oanh tạc, bắn phá. Hầm phải hoàn thành trước giờ xuất quân. Quán triệt nội quy công trường về phòng không, tinh thần lao động, ý thức, kỷ luật lao động đến các lớp, các khối, bộ phận. Ban đêm lao động, ban ngày nghỉ, khí thế cán bộ giáo viên, y sinh rất hăng hái, quyết tâm cao, hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn.
Hằng ngày, sau bữa cơm chiều các lớp, các khối đội ngũ chỉnh tề, ra công trường mang theo dụng lao động, đèn pin, nước uống, phương tiện cấp cứu. Thời gian lao động từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng, sau đó rút quân về nơi nghỉ. Thời gian lao động sắp hoàn thành, khí thế lao động rất hăng say, cả công trường nhộn nhịp, khẩn trương lao động dưới ánh sáng của muôn vì sao đêm. Mỗi lần có kẻng báo động, máy bay địch xâm phạm bầu trời Hàm Rồng, hàng ngàn người tỏa về các hầm trú ẩn. Kẻng báo yên, mọi người lại trở về vị trí lao động.
          Bỗng đại họa xảy ra vào sáng 14 tháng 6 năm 1972!
Hôm đó, các em được về nghỉ vào dịp Tết Đoan ngọ để về thăm gia đình, nhưng học sinh 2 trường chuyên nghiệp của Tỉnh hăng hái ở lại lao động đến 8h sáng vẫn chưa về nghỉ. Từ sáng sớm, nhiều tốp máy bay chiến lược không quân Mỹ từ phía biển lao đến vùng trời Hàm Rồng, ném bom rải thảm từ phía Nam núi Ngọc, cầu Hàm Rồng dọc đê sông Mã, trúng công trường đang thi công. Nơi đây có hàng ngàn học sinh của hai trường đang đắp đê phòng chống lũ lụt. Kẻng báo động hòa lẫn với tiếng rung long trời lở đất của các đơn vị bộ đội phòng không bảo vệ Hàm Rồng. Hàng ngàn học sinh đã kịp chạy vào các hầm trú ẩn. Một số chạy tán loạn không kịp tới hầm, đã nằm ngay tại chỗ dưới bầu trời Nam Ngạn mịt mù máu lửa, tiếng động cơ, tiếng bom nổ rung chuyển bầu trời át tiếng kêu la, khóc lóc, rên rỉ, hò hét của hàng ngàn học sinh. Dứt tiếng máy bay, các lực lượng cứu thương từ phía Thị xã dồn về hiện trường. Xe cứu thương, xe tải, xe ben, lực lượng xung kích chữ thập đỏ,…được điều đến cổng trường làm nhiệm vụ vận chuyển nạn nhân, sơ cứu, đưa về các trạm cấp cứu trong Thị xã. Một cảnh tượng náo loạn, kinh hoàng, vừa làm nhiệm vụ vừa cảnh giác đề phòng máy bay địch quay trở lại. Các lực lượng khẩn trương chuyển nạn nhân lên các loại xe, chuyển tử thi lên xe ben, xe tải. Những người bị thương được vận chuyển lên xe cứu thương, cáng,… Sự có mặt kịp thời của đồng chí Hoàng Văn Hiếu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh, đồng chí Lê Chí Phan - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Sơn đã động viên, trấn an tinh thần, chia sẻ với những tổn thất lớn lao của các gia đình người bị nạn. Các đồng chí ra lệnh phải tập trung cao độ, khẩn trương đưa hết thi hài của các giáo viên, học sinh về nơi quy định tại Núi Một - Rừng Thông, tắm rửa cẩn thận, thay quần áo mới, tìm thân nhân của nạn nhân đến nhận dạng tử thi. Một hình ảnh vô cùng xúc động không thể nào quên là khi đồng chí Hoàng Văn Hiếu nhặt được cánh tay của một học sinh nữ giao cho đội cứu nạn, đồng chí căn dặn “phải tìm cho được thi thể mất một cánh tay để đặt cánh tay này vào trước khi khâm liệm em, mai táng cho em”.
Tại khu lao động Trường Y, đồng chí Lê Minh Bỗng (Phó Bí thư Đảng ủy Nhà trường) bị thương ở đầu, máu chảy xuống mặt, tấm áo đẫm bùn và máu, đồng chí vừa ôm đầu vừa gọi: “Các đồng chí ơi! Mau lại đào bới hầm sập, một số các em học sinh còn đang nằm trong đó, không biết ai còn ai mất!” Đồng chí Tô Ngọc Chành - giáo viên văn hóa, chủ nhiệm lớp Y4C, bị sức ép chảy máu tai, máu mũi, vỡ xương hàm đang cõng em học sinh nữ bị thương nặng ở bụng, gãy xương đùi, bị choáng nặng, đến đội cứu thương chuyển về trạm cấp cứu. Em học sinh đó là Lê Thị Thế (con gái đồng chí Lê Thế Phiệt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy), em chưa đến 20 tuổi đời.
Trong thời khắc đó, không thể diễn tả hết cảnh đau thương giữa hiện trường, thi thể lẫn người bị thương ngập trong bùn đất, máu thắm dưới cái nắng nóng hầm hập của buổi sáng mùa hè, tiếng la hét, tiếng khóc thảm thương, tiếng đào bới sập hầm, tiếng động cơ máy nổ, làm náo loạn một vùng đất nóng bỏng bom đạn. Ngay hôm ấy, đồng chí Cao Thiện Tư (Hiệu trưởng), đồng chí Vũ Nhình (Bí thư Đảng ủy) cùng một số cán bộ các phòng ban, Công đoàn, Đoàn Thanh niên về thị xã tìm đến trạm cấp cứu, bệnh viện thăm những cán bộ và học sinh đang cấp cứu, điều trị, một bộ phận về Núi Một - Rừng Thông, Đông Hoàng lo mai tang cho các em tử nạn, động viên gia đình. 
Trận đánh bom ngày đó đã cướp đi sinh mạng của hàng chục em học sinh của hai trường chuyên nghiệp của tỉnh, đó là những thầy thuốc, thầy giáo tương lai của đất nước. Riêng Trường Y sỹ mất 32 em tại chỗ do bị trúng bom sập hầm, vùi lấp, bị thương 53 cán bộ và học sinh. Trong số các em tử nạn có 5 đảng viên, 4 con liệt sĩ. Riêng lớp Y4C hy sinh 17 em (chiếm gần nửa lớp), tuổi đời chưa quá 20, chưa được một lần yêu. Có một số em quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh có một số em là bộ đội mới hoàn thành nghĩa vụ được về học trường Y, có một số em là học sinh miền Nam, tốt nghiệp sẽ trở về quê hương phục vụ đồng bào miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Khi bàn giao tư trang của các em cho gia đình, có những vali, hòm, ba lô còn lưu lại những quyển nhật ký, những lá thư, trang vở ghi bài giảng vẫn tươi nét mực. Vô cùng cảm động trước lá thư của một em học sinh gửi bố mẹ:
 
“…Chuyến đi lao động Xã hội Chủ nghĩa của con lần này giữa chiến trường Hàm Rồng ác liệt, không kém gì ngoài tiền tuyến, Quảng Bình - Quảng Trị - Vĩnh Linh. Đế quốc Mỹ có thể đánh phá hủy diệt bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm. Nếu địch đánh phá khó tránh khỏi thương vong, không may cho số phận trúng bom đạn địch, con không thể trở về, bố mẹ lấy ngày con đang lao động trên công trường làm ngày giỗ của con”.
Lại có những lá thư viết cho người yêu, là người lính đang chiến đấu tại miền Nam:
 
“…Em sẽ chờ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng mình sẽ tổ chức lễ cưới tại quê nhà, anh nhé! Em hứa với anh sẽ quyết tâm học tập, thành thầy thuốc tương lai “lương y như từ mẫu”…
 
Có lá thư gửi người yêu đang học tại một trường đại học ở Hà Nội: “Nghỉ hè năm nay em ra thăm anh, chúng ta sẽ đi chơi, thăm cảnh quan Hà Nội”…
Hàm Rồng ơi! Hàm Rồng! Một thời khói lửa, đạn bom đã đi vào huyền thoại. Trường Y sỹ, Trường Sư phạm Thanh Hóa vinh dự tự hào được đóng góp máu xương, góp phần ghi vào chiến công lịch sử chống Mỹ cứu nước, ghi vào trang sử chiến công Hàm Rồng. 32 học sinh Nhà trường ở tuổi thanh xuân đã hy sinh trên mảnh đất Hàm Rồng ngày 14 tháng 6 năm 1972 là những học sinh, bộ đội, thanh niên xung phong hoàn thành nghĩa vụ, là con em miền Nam được đào tạo để trở thành thầy thuốc, nay đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Để tưởng nhớ các em, Nhà trường đã dựng tấm bia đá khắc tên các em tại nơi trang trọng trong Trường. Quanh các em là những cây cổ thụ tán rộng, che mát các em, những cây Ngọc lan, Mẫu đơn ngày đêm tỏa hương thơm mát. Trải qua 48 năm, nay các em đã nên ông, bà, những dịp ngày lễ, rằm mồng một các thế hệ học sinh ngày nay thường tới thắp nén hương thơm, tưởng nhớ thế hệ trước. Mỗi lần thăm trường, tôi thắp nén hương:
 
Thắp hương thầm gọi, em ơi!
 
Nghĩa tình đồng nghiệp nghẹn lời viếng thăm,
 
Xót đau thơm ngát hương trầm,
 
Nén đôi dòng lệ, lặng thầm nhớ thương!
 
…..
 
PHẦN II: HỒI KÝ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN- TÁC GIẢ LÊ ĐĂNG MIÊN- NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA.

Tin khác