CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)

Đăng lúc: 14:53:00 26/04/2024 (GMT+7)

Đại thắng mùa Xuân 1975 với chiến thắng 30/4 đã mở ra trang sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam… 49 năm đã qua đi nhưng mốc son chói lọi ấy vẫn trường tồn và vang mãi trong lịch sử của dân tộc. Trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay, những bài học và giá trị lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị. Hòa chung không khí vui tươi phấn khởi chào mừng Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, trong những ngày này cả nước cũng đang hân hoan chào mừng 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 01/5 - là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử, ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4
Cách đây 49 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.
Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
49 năm sau Ngày Giải phóng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, phát huy tinh thần chiến thắng 30/4 bất diệt, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng và chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Toàn dân tộc chung một khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong công cuộc kiến tạo mới của đất nước, mỗi người Việt Nam hôm nay dù sống trong hòa bình và hạnh phúc vẫn không được phép lãng quên lịch sử, không được phép nguôi quên những đau thương, mất mát của chiến tranh. Trân trọng quá khứ để tri ân những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của dân tộc và là cách tốt nhất để hướng tới tương lai.
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đồng sức, đồng lòng xây dựng một Việt Nam cường thịnh trong dòng chảy mới của thời đại.
Chúng ta cùng nhìn lại một số hình ảnh làm nên chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:
hinh 26.5.jpg
“Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Phủ Tổng thống Ngụy lúc 9h30 ngày 30/4/1975”
20120422092316_saigon2 (1) (1).jpg
Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975
20120422092316_saigon3 (1).jpg
Nhân dân vui mừng chứng kiến Đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập
Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 1/5
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.
Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Các Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 09/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới; Hoạt động này dần lan sang các nước khác.
Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản suất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chicago trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 - 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.
Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chicago. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít-tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
mititnh_1_5_ha_noi-15_14_47_871.jpg
Mít-tinh quần chúng ngày 1/5/1938 tại Khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị)”.
international-workers-day.jpg
Hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động
 
Ghi nhớ, tiếp thu và phát triển truyền thống quý báu của Dân tộc Việt Nam, cán bộ viên chức người lao động Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu, phát huy tinh thần “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển”; Tiếp tục hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và Nghị quyết Đại hội Công đoàn Trường đã đề ra; Tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân; Từng bướcxây dựng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa thành trung tâm đào tạo kỹ thuật y dược uy tín, chất lượng, phát triển bền vững. 

Tin khác

BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ MỘT KỲ THỰC TẬP TỐT NGHIỆP THÀNH CÔNG DÀNH CHO SINH VIÊN NGÀNH DƯỢC TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA.
* DỰ KIẾN DANH SÁCH HỌC SINH SINH VIÊN THUỘC DIỆN CẢNH BÁO HỌC TẬP HỌC KỲ I NĂM HỌC 2023-2024
*KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THAO CHÀO MỪNG NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 30/4, NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 VÀ 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2024)
*QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC CHO PHÉP SINH VIÊN CÁC LỚP CAO ĐẲNG DƯỢC K11 HỆ CHÍNH QUY ĐI THỰC TẬP TỐT NGHIỆP
*THÔNG BÁO VỀ VIỆC NGHỈ LỄ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4) VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5) NĂM 2024
*THÔNG BÁO V/v công khai danh sách dự kiến HSSV hệ chính quy được hưởng các chế độ chính sách Miễn, giảm học phí; Chính sách nội trú; Trợ cấp xã hội; Hỗ trợ đồ dùng học tập.
* THÔNG BÁO TUYỂN SINH KHÓA ĐÀO TẠO CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN VỀ DƯỢC NĂM 2024
* TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC BÁO CÁO TIỂU LUẬN TỐT NGHIỆP CHO HỌC VIÊN, SINH VIÊN LỚP CAO ĐẲNG DƯỢC VĂN BẰNG 2K5, CHƯƠNG TRÌNH 2K4 VÀ CAO ĐẲNG ĐIỀU DƯỠNG VĂN BẰNG 2K3
*TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC TẾT CỔ TRUYỀN BUNPIMAY CHO SINH VIÊN LÀO NĂM 2024
* TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC THÀNH CÔNG NGÀY HỘI HƯỚNG NGHIỆP, TƯ VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO HSSV NĂM 2024